CHUYÊN BÁN: BÃ HÈM BIA KHÔ TOÀN QUỐC

07/12/16

Các loại phụ phẩm ngành chế biến làm thức ăn gia súc

Các loại khô dầu thường dùng làm thức ăn cho gia súc nhai lại gồm: khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, khô dầu bông, khô dầu vừng, khô dầu dừa
a.  Bã bia
Bã bia là sản phẩm tách ra sau khi lên men bia. Phần nước được sử dụng làm bia. Phần bã tươi còn chứa các chất dinh dưỡng, các chất men và xác vi sinh vật. Bã bia tươi là loại thức ăn nhiều nước, có mùi thơm và vị ngon. Hàm lượng khoáng, vitamin (chủ yếu là vitamin nhóm B) và đặc biệt là hàm lượng đạm trong bã bia cao. Do đó bã bia có thể được coi là loại thức ăn bổ sung đạm. Hơn nữa, thành phần xơ trong bã bia rất dễ tiêu nên có tác dụng kích thích VSV phân giải xơ trong dạ cỏ phát triển. Vì thể nó có thể dùng để bổ sung cho khẩu phần cơ sở là rơm rạ cho kết quả rất tốt. Ngoài ra bã bia còn chứa các sản phẩm lên men có tác dụng kích thích tính ngon miệng và kích thích tiết sữa rất tốt. Chính vì thể bã bia được sử dụng rất rộng rãi trong chăn nuôi bò sữa.

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của bã bia phụ thuộc vào tỷ lệ nước, nguồn gốc sản xuất và thời gian bảo quản. Bã bia ướt dễ bị phân giải làm mất dinh dưỡng và tăng độ chua, cho nên người ta thường chỉ có thể cho gia súc ăn trong vòng 48 giờ. Để kéo dài thời gian bảo quản người ta thường cho thêm muối ăn với tỷ lệ 1%. Mặt khác, người ta có thể làm thành bã bia khô (chứa khoảng 10% nước) để thuận tiện cho bảo quản và sử dụng. Thành phần hoá học của bã bia khô như sau: vật chất khô (92,5-93%), protein thô (23,5-27%), lipit (6,2-6,5%), xơ thô (14,0-15,5%), khoáng (3,7-4%).

Mặc dù bã bia là một loại phụ phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, lượng bã bia trong khẩu phần bò cần tính toán làm sao có thể thay thế không quá 1/2 lượng thức ăn tinh (cứ 4,5kg bã bia có giá trị tương đương với 1kg thức ăn tinh) và không nên cho ăn trên 15kg/con/ngày). Cho ăn quá nhiều bã bia (ví dụ trên 25kg/con/ngày) sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu hoá chất xơ, các chất chứa nitơ và kéo theo sự giảm chất lượng sữa. Tốt nhất là trộn bã bia và cho ăn cùng với thức ăn tinh, chia làm nhiều bữa trong một ngày.

b.  Rỉ mật

Rỉ mật là một phụ phẩm của ngành sản xuất đường. Thành phần chính của rỉ mật là đường, chủ yếu là sucroza với một ít glucoza và fructoza. Nói chung, sản lượng rỉ mật bằng khoảng 1/3 sản lượng đường sản xuất. Cứ khoảng 100 tấn cây mía đem ép thì có 3-4 tấn rỉ mật được sản xuất. Trên mỗi ha mía hàng năm có thể thu được 1300kg rỉ mật. Rỉ mật Việt nam có hàm lượng vật chất khô 68,5-76,7%, prôtêin thô xấp xỉ 1,8 %.

Do chứa nhiều đường nên rỉ mật có thể dùng làm thức ăn bổ sung cung cấp năng lượng cho gia súc nhai lại, đặc biệt là cung cấp năng lượng dễ tiêu bổ sung cho khẩu phần cơ sở là thức ăn xơ thô (phụ phẩm) có chất lượng thấp. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng, rất cần thiết cho bò. Có thể bổ sung bằng cách cho ăn trực tiếp cùng với thức ăn thô hay bổ sung dưới dạng bánh dinh dưỡng tổng hợp cùng với urê và khoáng. Rỉ mật đường có vị ngọt nên bò thích ăn. Tuy nhiên, không nên cho bò ăn quá nhiều (chỉ dưới 2kg/con/ngày) và nên cho ăn rải đều để tránh làm giảm pH dạ cỏ đột ngột ảnh hướng không tốt đến VSV phân giải xơ.

c.  Phụ phẩm dứa

Phụ phẩm dứa bao gồm chồi ngọn của quả dứa, vỏ cứng ngoài, những vụn nát trong quá trình chế biến dứa, bã dứa ép và toàn bộ lá của cây dứa phá đi trồng mới. Hàng năm loại phụ phẩm này ở các nông trường trồng dứa và các cơ sở chế biến dứa thải ra rất nhiều. Mỗi ha dứa phá đi để trồng lại sau 2 vụ thu quả cho năng xuất lá trung bình 50 tấn. Mỗi tấn dứa đưa vào chế biến theo quy trình chế biến dứa đông lạnh cho 0,25 tấn chính phẩm và 0,75 tấn phụ phẩm tức là cứ 4 kg nguyên liệu cho 1 kg thành phẩm. Mỗi tấn dứa đưa vào chế biến theo quy trình chế biến dứa đóng hộp có 0,35 tấn chính phẩm và 0,65 tấn phụ phẩm tức là cứ 3 kg nguyên liệu cho 2 kg phụ phẩm.

Đặc điểm của loại phụ phẩm này là hàm lượng chất xơ cao nhưng nghèo protein. Do vậy việc sử dụng các phụ phẩm dứa làm thức ăn cho trâu bò với tỷ lệ không hợp lý đã không tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động phân giải thức ăn của vi sinh vật dạ cỏ, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn của khẩu phần. Hơn nữa, cho bò ăn bã dứa nhiều bò thường bị rát lưỡi. Tuy vậy, phụ phẩm dứa có hàm lượng đường dễ tan cao nên thuận lợi cho quá trình lên men nên có thể ủ chua để làm thức ăn nhằm thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần của gia súc nhai lại.

d.  Hạt bông

Hạt bông có hàm lượng protein và lipit cao nên có thể được coi là một loại thức ăn tinh. Nhưng mặt khác, xơ của nó tương đương với cỏ nếu xét về mức độ tiêu hoá ở dạ cỏ. Phản ứng của gia súc khi bổ sung hạt bông thay đổi rất lớn phụ thuộc vào khẩu phần cơ sở. Tỷ lệ phân giải cao của protein hạt bông làm cho hàm lượng amoniac trong dạ cỏ tăng cao. Năng lượng gia nhiệt của hạt bông thấp nên có lợi khi cho gia súc ăn trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao. Tuy nhiên do có hàm lượng lipit cao và có độc tố gosypol nên có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt lực của vi sinh vật dạ cỏ và hạn chế mức sử dụng.

Hiện nay người ta đề nghị mức bổ sung chỉ dưới 150g/kg thức ăn của khẩu phần. Chế biến, đặc biệt là xử lý nhiệt, có thể làm tăng tỷ lệ lipit và protein không bị phân giải ở dạ cỏ và giảm gosypol tự do trong hạt bông nên có thể tăng mức sử dụng trong khẩu phần. Nghiền và kiềm hoá có thể làm tăng tỷ lệ tiêu hoá của hạt bông.

e.  Khô dầu

Khô dầu là một nhóm các phụ phẩm còn lại sau khi chiết tách dầu từ các loại hạt có dầu và từ cơm dừa. Các loại khô dầu thường dùng làm thức ăn cho gia súc nhai lại gồm: khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, khô dầu bông, khô dầu vừng, khô dầu dừa. Khô dầu là loại sản phẩm rất sẵn có ở nước ta và được xem như là loại thức ăn cung cấp năng lượng và bổ sung đạm cho bò sữa. Hàm lượng đạm và giá trị năng lượng trong khô dầu tuỳ thuộc vào công nghệ tách chiết dầu cũng như nguyên liệu ban đầu. Nhìn chung, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc thường chứa ít canxi, phốtpho, vì vậy khi sử dụng cần bổ sung thêm khoáng. Khô dầu có thể cho trâu bò ăn riêng rẽ như một thức ăn bổ sung hoặc trộn với một số loại thức ăn khác thành thức ăn tinh hỗn hợp.

Cám gạo, bã đậu nành, bã sắn là thức ăn rất dinh dưỡng cho gia súc

f.  Cám gạo

Cám gạo là phụ phẩm xay xát gạo. Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cám gạo phụ thuộc vào quy trình xay xát thóc, thời gian bảo quản cám. Cám gạo mới có mùi thơm, vị ngọt, gia súc nhai lại thích ăn. Tuy nhiên, nếu để lâu, nhất là trong điều kiện bảo quản kém, dầu trong cám sẽ bị oxy hoá, cám trở nên ôi, khét, có vị đắng, thậm chí bị vón cục, bị mốc và không dùng được nữa. Cám gạo có thể được coi là loại thức ăn cung cấp năng lượng và đạm.

Dùng cám gạo bổ sung cho khẩu phần xơ thô sẽ có tác dụng bổ sung dinh dưỡng và kích thích tiêu hoá xơ.

g.  Bã đậu nành

Bã đậu nành là phụ phẩm của quá trình chế biến hạt đậu nành thành đậu phụ hoặc thành sữa đậu nành. Nó có mùi thơm, vị ngọt, gia súc thích ăn. Hàm lượng chất béo và protein trong bã đậu nành rất cao. Bã đậu nành có thể được coi là loại thức ăn cung cấp protein cho gia súcnhai lại. Mỗi ngày có thể cho bò ăn 10-15kg/con/ngày.

h.  Bã sắn

Bã sắn là phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn từ củ sắn. Bã sắn chứa nhiều tinh bột (khoảng 60%) nhưng lại nghèo chất đạm. Do đó, khi sử dụng bã sắn nên trộn và cho ăn thêm urê hoặc bã đậu nành. Bã sắn có thể dự trữ được khá lâu do một phần tinh bột trong bã sắn bị lên men và tạo ra pH = 4-5. Bã sắn tươi có vị hơi chua, gia súc nhai lại thích ăn. Mỗi ngày có thể cho mỗi con bò ăn khoảng 10-15 kg bã sắn tươi. Cũng có thể phơi, sấy khô bã sắn để làm nguyên liệu phối chế thức ăn hỗn hợp.

Tags: bã hèm bia 50 đạm, bột men bia khô 50 đạm, nguyên liệu thức ăn gia súc, bột cá biển, bã đậu nành, bột xương thịt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét